Căn cứ pháp lý:
- Bộ luật dân sự 2015;
- Luật thương mại 2005.
Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao. Hợp đồng đại lý mua bán hàng hóa là sự thỏa thuận bằng văn bản của bên giao đại lý và bên đại lý, theo đó bên đại lý thực hiện việc mua hoặc bán hàng hóa cho bên giao đại lý, còn bên giao đại lý phải trả thù lao cho bên đại lý. Các hình thức đại lý phổ biến bao gồm:
- Đại lý bao tiêu: là đại lý thực hiện việc mua bán trọn vẹn một khối lượng hàng hóa hoặc cung ứng đầy đủ một dịch vụ cho bên giao đại lý.
- Đại lý độc quyền: tại một khu vực địa lý nhất định, bên giao đại lý chỉ giao cho một đại lý mua bán một hoặc một số hàng hóa/ cung ứng một hoặc một số dịch vụ nhất định.
- Tổng đại lý mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ: bên đại lý tổ chức một hệ thống đại lý trực thuộc để thực hiện việc mua bán, cung ứng dịch vụ cho bên giao đại lý.
Thông thường hình thức đại lý sẽ được nêu rõ tại điều khoản đầu của hợp đồng và có ảnh hưởng quan trọng đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng, các điều khoản thanh toán, lợi nhuận, hoa hồng,…
Chủ thể của hợp đồng đại lý: phải là thương nhân, có thể là thương nhân Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài. Tuy nhiên, đại lý phải có năng lực chủ thể, nhân danh chính mình để thực hiện việc mua bán hàng hóa cho bên giao đại lý, do đó bên đại lý cần có đăng ký kinh doanh phù hợp với hàng hóa ghi trong hợp đồng. Mặt khác, bên giao đại lý phải được sản xuất hoặc kinh doanh mặt hàng đó, điều này được ghi nhận trong ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Hình thức của hợp đồng đại lý: Điều 168 Luật thương mại năm 2005 quy định về hình thức hợp đồng đại lý như sau: “Hợp đồng đại lý phải được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”. Các hình thức tương đương với văn bản có thể hiểu là bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu,… Do tính chất lâu dài và thanh toán nhiều đợt, việc thực hiện bằng văn bản sẽ giúp thỏa thuận giữa hai bên rõ ràng, thuận tiện khi thực hiện hợp đồng, và là chứng cứ quan trọng trong trường hợp xảy ra tranh chấp sau này.
Nội dung của hợp đồng:
Tùy thuộc vào hình thức đại lý mà hợp đồng đại lý thương mại sẽ có một số điểm khác biệt về điều khoản quy định, tuy nhiên, nhìn chung, các hợp đồng đại lý đều cần có các thông tin cơ bản sau đây:
- Thông tin của các bên giao kết hợp đồng;
- Loại hàng hóa, số lượng hàng hóa mà bên giao đại lý cung cấp cho bên đại lý/ Số tiền bên giao đại lý chuyển cho bên đại lý để mua hàng hóa (cụ thể loại hàng hóa, số lượng)/ Dịch vụ mà bên giao đại lý cung ứng cho bên đại lý;
- Giá cả, phương thức thanh toán: trong mục này, ngoài giá cả của hàng hóa hoặc dịch vụ, hai bên có thể thỏa thuận về mức thù lao (hoa hồng, chiết khấu,…) mà bên đại lý được hưởng;
- Đặt hàng, giao hàng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng: đây là mục quan trọng trong hợp đồng, đa số các tranh chấp phát sinh đều liên quan đến vi phạm nghĩa vụ của bên mang nghĩa vụ, do đó, cần quy định rõ ràng quyền-nghĩa vụ của mỗi bên;
- Thời hạn có hiệu lực của hợp đồng;
- Các chính sách hỗ trợ, bảo hành (nếu có);
- Mức bồi thường thiệt hại: trong trường hợp có hư hỏng, mất mát về hàng hóa; chậm giao hàng; vi phạm hợp đồng gây ra thiệt hại cho bên còn lại;
- Xử lý khi phát sinh tranh chấp;
- Các điều khoản khác do các bên thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Một số những lưu ý khi soạn hợp đồng đại lý thương mại:
- Đối với hình thức đại lý bao tiêu, bên đại lý còn có quyền quyết định giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho khách hàng.
- Một hình thức khác của việc một bên thương nhân giao hàng hóa để bán, tiền để mua hàng hóa hoặc dịch vụ để cung ứng cho một bên thương nhân khác mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp cho khách hàng đó là ủy thác thương mại. Tuy nhiên, phạm vi hoạt động của đại lý thương mại rộng hơn so với ủy thác thương mại vì có thể được thực hiện trên nhiều lĩnh vực của hoạt động thương mại.
- Đối với hình thức đại lý độc quyền, bên giao đại lý không được phép giao kết với một đại lý khác trong cùng một khu vực địa lý, tuy nhiên, pháp luật không cấm bên giao đại lý trực tiếp mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ cho các nhà phân phối, bán lẻ khác. Đây là điều các bên cần cân nhắc trước khi xác lập hợp đồng.
Một vài tranh chấp thường phát sinh từ hợp đồng đại lý thương mại:
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên khi xảy ra rủi ro đối với hàng hóa: theo quy định pháp luật, bên giao đại lý là chủ sở hữu của hàng hoá hoặc tiền giao cho bên đại lý, do đó căn cứ vào quan hệ sở hữu khi xảy ra rủi ro về hàng hóa bên giao đại lý thường phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, thông thường bên giao đại lý thường căn cứ vào việc chuyển giao quyền sở hữu tại thời điểm giao hàng cho đại lý để yêu cầu đại lý chịu trách nhiệm với rủi ro hàng hóa. Do đó, hai bên cần quy định rõ ràng về trách nhiệm trong trường hợp xảy ra rủi ro đối với hàng hóa, tránh xảy ra tranh chấp;
- Tranh chấp phát sinh khi vi phạm nghĩa vụ thanh toán: do hợp đồng đại lý thường dài hạn, thanh toán nhiều đợt, các khoản chiết khấu, khuyến mãi, thưởng khá nhiều, do đó dễ xảy ra tranh chấp khi một bên chậm nghĩa vụ thanh toán hoặc hai bên không khớp số tiền với nhau;
- Tranh chấp khi một bên đơn phương chấm dứt hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia, mà thông thường là bên giao đại lý đơn phương chấm dứt hợp đồng với đại lý.
Quý khách hàng vui lòng liên hệ Thu & Partners để được tư vấn chi tiết về hợp đồng đại lý thương mại!