Hợp đồng cho vay thể hiện sự thỏa thuận của giữa các bên, trong đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay, khi đến kỳ hạn trả, bên vay phải hoàn trả tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng cho bên vay, có thể kèm theo trả lãi nếu các bên có thỏa thuận trước hoặc do pháp luật quy định. Hiện nay, bộ luật dân sự vẫn chưa có quy định bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được lập thành văn bản, do đó, những rắc rối diễn ra sau khi cho vay là không thể tránh khỏi: sai lệch trong tính lãi, đòi tài sản trước thời hạn, không đòi được tài sản, tài sản bị mất hay hư hỏng nặng…Để hạn chế những rủi ro này, các bên nên lập hợp đồng thành văn bản và nội dung hợp đồng cụ thể, rõ ràng. Sau đây, bài viết xin đưa ra những gợi ý về nội dung hợp đồng vay tài sản.
Những nội dung khi soạn thảo hợp đồng cho vay tài sản:
- Thông tin của các bên giao kết hợp đồng: bên vay và bên cho vay, bên nhận bảo lãnh (nếu có)
- Thông tin về tài sản cho vay: tiền, hiện vật, giấy tờ có giá…
- Quyền, nghĩa vụ của các bên: Về nghĩa vụ, chú ý một số điểm sau đây:
- Bên cho vay: Giao tài sản đúng chất lượng, số lượng như đã giao kết; bồi thường thiệt hại cho bên vay nếu giao tài sản không đảm bảo chất lượng mà không thông báo cho bên vay biết; không đòi lại tài sản trước kỳ hạn giao kết (trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc do hợp đồng không có kỳ hạn);
- Bên vay: Nếu vay tài sản là tiền thì phải trả lại tiền đúng hạn, nếu là vật thì phải trả lại đúng số lượng, chất lượng như đã giao kết; trường hợp không thể trả lại vật (do hư hỏng, mất, cho người khác…) thì phải đền bù lại số tiền theo giá trị của vật, nếu được bên cho vay đồng ý; Nếu đến hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ tiền hoặc tài sản thì sẽ tính mức phạt như sau:
- Trường hợp vay không có lãi mà đến hạn bên vay vẫn không trả tiền thì bên cho vay có quyền yêu cầu tính lãi suất theo mức do pháp luật quy định’
- Trường hợp vay có lãi suất: Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Lãi suất cho vay (nếu có):
- Lãi suất cho vay do các bên tự thỏa thuận nhưng không vượt quá 20%/năm của khoản tiền cho vay, nếu quy định lãi suất quá mức này thì mức lãi suất quá sẽ không có hiệu lực pháp luật.
- Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.
- Kỳ hạn hợp đồng:
- Hợp đồng có kỳ hạn:
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và không có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý, còn bên cho vay chỉ được đòi lại tài sản trước kỳ hạn, nếu được bên vay đồng ý
- Đối với hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi thì bên vay có quyền trả lại tài sản trước kỳ hạn, nhưng phải trả toàn bộ lãi theo kỳ hạn, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
- Hợp đồng không kỳ hạn:
- Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và không có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản và bên vay cũng có quyền trả nợ vào bất cứ lúc nào, nhưng phải báo cho nhau biết trước một thời gian hợp lý, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
- Đối với hợp đồng vay không kỳ hạn và có lãi thì bên cho vay có quyền đòi lại tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho bên vay một thời gian hợp lý và được trả lãi đến thời điểm nhận lại tài sản, còn bên vay cũng có quyền trả lại tài sản bất cứ lúc nào và chỉ phải trả lãi cho đến thời điểm trả nợ, nhưng cũng phải báo trước cho bên cho vay một thời gian hợp lý.
- Tài sản đảm bảo cho việc thực hiện hợp đồng (nếu có): hai bên có thể thỏa thuận về việc sử dụng tài sản của bên vay để đảm bảo cho việc trả đủ tiền hoặc tài sản mượn của bên cho vay, hoặc nhờ một bên thứ ba đứng ra đảm bảo (ví dụ: ngân hàng)
- Mục đích sử dụng tài sản vay: các bên có thể thỏa thuận về mục đích vay tài sản, bên cho vay có quyền đòi lại tài sản hoặc nhắc nhở nếu bên vay sử dụng tài sản vay trái mục đích.
- Địa điểm giao, nhận tài sản
- Các điều khoản khác do các bên thỏa thuận nhưng không trái với quy định của pháp luật.
Lưu ý:
- Đối với tài sản vay là tài sản chung (của vợ chồng, anh em thừa kế…) thì khi cho vay phải có sự chấp thuận của các đồng sở hữu, hoặc chỉ cho vay phần tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
- Pháp luật không bắt buộc hợp đồng vay tài sản phải được công chứng, tuy nhiên, nếu có yêu cầu của một trong các bên thì hợp đồng vẫn được công chứng.
- Nếu hợp đồng cho vay tài sản có bảo đảm thì các bên cần chú ý quy định rõ thông tin tài sản bảo đảm, giá trị tài sản; người sở hữu tài sản…tránh trường hợp một trong các bên
- Khi giao, trả tiền hoặc tài sản cần giữ lại chứng từ chứng minh để phòng tránh rủi ro sau này và làm bằng chứng nếu có vấn đề về pháp lý.
- Tránh giao kết hợp đồng cho vay để che giấu việc thực hiện một hợp đồng khác (mua bán nhà, đặt cọc…) vì hậu quả pháp lý của việc này là đáng lo ngại và không thể lường trước được.